
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị trong trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm thì thực hiện việc bồi thường, tái định cư theo hai phương án:
Phương án 1, quy định cụ thể chỉ bồi thường, tái định cư bằng căn hộ. Phương án 2, vẫn quy định hai phương thức bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ. Nhà nước sẽ cưỡng chế thực hiện việc tháo dỡ để đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm khi có từ 50% số chủ sở hữu các căn hộ đồng ý và chủ sở hữu bị cưỡng chế sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền với mức bằng với giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo nghị định nội dung quy định về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư có kết luận kiểm định cấp C (chung cư đã xuống cấp) là 80%.
TPHCM đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải cải tạo được 237 chung cư cũ (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, hết năm 2020 mới chỉ có 2 chung cư cũ được cải tạo (tính từ năm 2016 khi Thành uỷ TPHCM đề ra chương trình hành động).