![]() |
Một dự án khu đô thị ở Long An thu hút đông đảo khách hàng ngay từ khi mở bán. Ảnh: Sơn Nhung |
Tuy nhiên, vì nguồn cung vẫn không đáp ứng hết nhu cầu khiến mặt bằng giá căn hộ ở các tỉnh cũng bị đội lên cao. Như tại Bình Dương, năm 2018, giá căn hộ cao nhất tầm 20-25 triệu đồng/m2, sang năm 2019 vọt lên 30-35 triệu đồng/m2 và đến năm 2020 đã vượt mức đó, đạt 40-45 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư một dự án chung cư ở tỉnh Đồng Nai cho biết căn hộ đã bàn giao 2 năm ở gần dự án của ông đã vọt lên 34-35 triệu đồng/m2 thì không có lý gì dự án mới lại dưới mức đó. Chưa kể, mặt bằng các dự án thuộc phân khúc trung bình đều đã vượt 30 triệu đồng/m2.
Theo các chuyên gia, hiện nay giá bất động sản ở các vùng lân cận TP HCM, đặc biệt khu phía Đông, bật tăng theo TP HCM khá nhiều, nhất là khi Thủ Đức lên thành phố. Kiến trúc sư Arnon Snapir thuộc Hiệp hội Kiến trúc Mỹ cho rằng những thành phố xung quanh TP HCM đang phát triển rất mạnh, nên giá bất động sản tăng là điều dễ hiểu, gần giống xu hướng ở các nước trên thế giới.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng có 4 lý do để giá bất động sản, nhất là căn hộ ở các tỉnh lân cận TP HCM, ở mức cao là do chủ đầu tư đã định vị triển khai căn hộ phân khúc trung cao cấp, vì vậy họ đầu tư vào chất lượng cho dự án nhiều hơn. Đồng thời, vị trí dự án tương đối tốt dù không thuộc TP HCM. Đặc biệt, tỉ lệ hấp thu căn hộ ở các tỉnh cao là do nhu cầu mua căn hộ giá quanh mức 2 tỉ đồng rất lớn, trong khi nguồn cung nhà giá thấp tại TP HCM lại hiếm nên người mua phải ra vùng ven.
"Đối với dự án đất nền ở các tỉnh, mức giá hợp lý là khoảng 18-25 triệu đồng/m2, nếu hơn mức này thì không hấp dẫn người mua, đặc biệt người mua đất nền chủ yếu là để đầu tư", ông Trần Khánh Quang lưu ý.