
Ví dụ, những hội thảo công nghệ dùng mánh lới để thu phí từ hàng trăm đến hàng nghìn đôla trên mỗi người non nớt đang xếp hàng để nghe cái tương tự như quảng cáo truyền hình trực tiếp từ một gã tầm thường khác nhưng có địa vị cao hơn một chút.
Tôi chẳng có tiền trả cho những hội thảo như thế, nhưng tôi biết, với danh nghĩa phóng viên và nhà văn, tôi có thể đổi lấy một tấm vé VIP miễn phí với lời hứa gió bay rằng tôi sẽ viết tin về buổi hội thảo này. Và đó là những gì tôi đã làm, ngay khi có cơ hội. Thỉnh thoảng họ cũng không mấy ấn tượng với cái mác nhà báo của tôi. Thế là tôi thường bảo rằng mình đang viết một cuốn sách về công nghệ.
Nhưng tôi hiếm khi phỏng vấn ai. Tôi đơn giản đinh ninh rằng mọi thứ đều được ghi âm lại đấy thôi. Và vì thế, gần như chẳng ai buồn yêu cầu tôi đừng trích lại lời họ. Nhờ thế, tôi chẳng cần phải nói chính xác xem tôi đang viết loại sách gì. Và tôi cũng rất thận trọng. Thời gian cuốn sổ ghi chép của tôi nằm trong túi quần còn nhiều hơn ở trên tay.
Tuy nhiên, tôi không phải là kẻ khủng bố. Tôi tin rằng mọi người đều nên được cân nhắc một cách đặc biệt. Vì thế, mỗi khi tôi thấy có vẻ không công bằng khi sử dụng tên thật của ai đó - ví dụ, bạn cùng phòng - tôi sẽ đặt một cái tên nào đó cho họ.
Cuốn sách này không có những nhân vật “kết hợp”. Những gì tôi viết ở đây đều đã thực sự xảy ra, chỉ là đôi khi nó không theo thứ tự thời gian. Những lời trích dẫn đều được tôi nhớ chính xác và những nguồn dẫn có thể kiểm chứng được. Tuy không hoàn toàn mẫu mực như lối viết báo, tôi cam đoan tất cả đều là sự thật.
Tôi mong có được một trải nghiệm khởi nghiệp đích thực nhất có thể chứ không phải theo cách giả làm điệp viên ngầm. Ngẫm lại mới thấy, đáng ra mọi thứ có thể sẽ dễ dàng hơn nếu tôi chọn một cái tên giả, làm một cái lý lịch giả và đánh nhanh thắng nhanh. Thế nhưng, tôi không phải là kẻ giỏi nói dối, và tôi đoán mình đã bị giật dây bởi những cảm giác có khuynh hướng tự hủy hoại mình nên mới nghĩ ra kế hoạch điên rồ này.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất ở thung lũng Silicon vào những ngày phấn khởi của năm 2015 là chẳng ai cười nhạo tôi khi tôi nói với họ rằng bản thân đang ấp ủ một phi vụ khởi nghiệp lạ lùng chưa từng có, vốn sẽ mang về cho tôi hàng tỷ USD.
Vì vào thời điểm đó, trong bối cảnh đó, những chuyện kỳ dị như vậy vẫn xảy ra thường xuyên, ít nhất là nếu bạn tin vào những gì đăng trên báo. Hãy nhìn Uber mà xem! Quả là từ trời rơi xuống. Instagram! Facebook! Mỗi câu chuyện về những gã công nghệ này đều có vẻ như khẳng định thêm về huyền thoại quốc gia “sữa và mật”, về sự phát triển vượt bậc của nước Mỹ.
Nhưng chỉ là nhảm nhí mà thôi. Cách duy nhất để 99,99999 phần trăm những người như chúng ta có thể trở thành tỷ phú là thông qua một vài biến động kinh tế kiểu thời Cộng hòa Weimar đến mức chúng ta phải đẩy xe cút kít chất đầy giấy bạc mệnh giá cao đến các cửa hàng tạp hóa khan hiếm, nơi phải xếp hàng dài thật lâu mới có thể mua được ít bánh mì ôi và miếng ngũ cốc lẫn cả mùn cưa.