![]() |
Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa đề xuất xây dựng nghị định về lấn biển. Ảnh: minh họa. |
Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp biển (chiếm tới gần 1/2 diện tích và dân số của cả nước), có 136 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (trong đó có 12 huyện đảo) và 675 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển. Dọc bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam.
Khu vực ven biển là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và đất liền, là nơi chịu tác động từ hoạt động trên vùng đất ven biển và cung cấp nguồn tài nguyên và các giá trị để phát triển vùng đất ven bờ. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh ra và duy trì các hệ sinh thái có giá trị và cũng chịu tác động nhiều nhất bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng dự án lấn biển có quy mô lớn tập trung tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển còn có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, chế độ thủy động lực của khu vực, dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn các công trình. Ngoài ra, hoạt động lấn biển cũng có thể tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên biển, gây ra các vấn đề xã hội khác của cộng đồng dân cư ven biển.